Tầm nhìn và tính cấp thiết xây dựng nguồn gen vi tảo

Công nghệ sinh học là mũi nhọn và là động lực để phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển CNSH và công nghiệp CNSH cần có nguồn gen. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu rộng, việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng và vật nuôi và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản là xu hướng không thể tránh khỏi. Ở tất cả các nước trên thế giới, đặt biệt ở các nước phát triển đều xây dựng các bảo tàng hoặc ngân hàng chủng giống động vật, thực vật, vi sinh vật, nấm và vi tảo. Các ngân hàng chủng giống vi tảo lưu giữ hàng nghìn loài vi tảo phân lập từ khắp nơi trên thế giới điển hình như UTEX (San Francisco, Mỹ), ngân hàng NIES (Tsukuba, Nhật Bản), ngân hàng SAG (Gotttingen, Đức), ngân hàng tảo giống CSIRO/ ANACC ở Úc. Ở Việt Nam, trước đây nhóm nghiên cứu tảo thuộc Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (ĐH QG Hà Nội) đã lưu giữ một số loài vi tảo nhưng hiện nay đã dừng.

Việt Nam có nhiều thủy vực nước ngọt, nước lợ và vùng biển duyên hải trải dài hàng nghìn km, ngoài ra với nguồn ánh sáng mặt trời quanh năm hội tụ tạo ra một lợi thế rất lớn để phát triển công nghệ sinh học vi tảo nhằm sản xuất sinh khối cho vô vàn ứng dụng thực tiễn. Việc xây dựng ngân hàng các chủng giống vi tảo bao gồm cả nước ngọt và nước mặt là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Do đó, việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học tảo là cần thiết, trong đó cần chú trọng đầu tư phát triển ngân hàng chủng giống vi tảo.

Trên cơ sở xây dựng ngân hàng nguồn gen vi tảo, Việt Nam có thể khẳng định được nguồn gốc chủng giống, các nguồn gen tảo đặc hữu riêng của Việt Nam. Đồng thời làm cơ sở để trao đổi hợp tác quốc tế về nguồn gen vi tảo với các nước trong khu vực và thế giới.