Trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần thêm khoảng 20.000 lao động, do vậy cơ hội việc làm cho những người theo học ngành này là rất lớn.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35-40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp và dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Thống kê của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần thêm khoảng 20.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là rất lớn.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể là chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Logistics là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hàng hóa, dịch vụ, thông tin trong lưu trữ và lưu chuyển hai chiều giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng đạt hiệu quả cao, lợi ích cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng học những gì?
Theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên có đủ hành trang cho phát triển sự nghiệp, đặc biệt mở ra thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu nhằm đưa ra chiến lược thích hợp nhằm phân phối sản phẩm đến tất cả các khách hàng trong nước và trên thế giới một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Nó bao gồm hệ thống kiến thức về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển, và đường hàng không; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức; Đồng thời, kết thúc khóa học, sinh viên có kỹ năng phân luồng khách hàng, xây dựng kế hoạch giao nhận từ điểm khởi đầu tới điểm tiêu dụng cuối cùng một cách hiệu quả thông qua thực hành nghiệp vụ giao nhận và vận tải đa phương thức.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị “hành trang” kỹ năng chuyên môn quan trọng như kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin… cùng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm…
Đồng thời, sinh viên được rèn luyện thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ các quy định, luật trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.