Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học vi tảo (IRDM) thuộc Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị triển khai ứng dụng và phát triển các quy trình công nghệ nuôi vi tảo. Trung tâm hiện nay đang lưu giữ hơn 50 loài vi tảo khác nhau trong đó có nhiều loài có tiềm năng ứng dụng làm thực phẩm chức năng, khai thác axit béo không no, các loài có khả năng triển khai sản xuất ở quy mô lớn để thu sinh khối. Hiện nay trung tâm có 2 mô hình nuôi tảo chính: Bể race-way và Photobioreactor(PBR)
Bể raceway
Trung tâm đã xây dựng hệ thống bể raceway ở quy mô 100 m3 để thử nghiệm các quy trình nuôi tảo ở quy mô thương phẩm, đánh giá khả năng phát triển và nhân rộng thực tế của các chủng giống và để hoàn thiện các quy trình công nghệ nuôi vi tảo.
Công nghệ này bao gồm 5 bể, các bể này được xây dựng trong môi trường nhà lưới khép kín với hệ thống hoàn toàn tự động. Mỗi bể đều có hệ thống cánh khuấy được cài đặt tự động vào các khoảng thời gian trong ngày để có thể phân tán lượng tảo đều ở bể, không tập trung vào một khu vực giúp tăng chất lượng của tảo tươi.
Sau khoảng thời gian từ 2-3 tuần thu sinh khối một lần. Sinh khối tảo sau khi thu có thể được sử dụng trực tiếp dưới dạng sản phẩm tảo tươi (bảo quản đông lạnh) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp tạo nguyên liệu để phát triển các sản phẩm dạng viên nang, viên nén hoặc làm nguyên liệu để tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong dược phẩm làm thuốc chữa bệnh hoặc hóa mỹ phẩm.
Photobioreactor ( PBR)
Với hệ thống nhân giống kín (photobioreactor) được kiểm soát chặt chẽ các điều kiện dinh dưỡng, ánh sáng, pH và nhiệt độ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học vi tảo có khả năng nhân nhiều loại chủng giống vi tảo ở quy mô lớn với độ thuần khiết 100% và không bị nhiễm tạp.
Để đảm bảo cho các chủng vi tảo được nuôi trong điều kiện tối ưu nhất, đặc biệt là về yếu tố ánh sáng và nhiệt độ bởi vì tảo tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể thông qua quá trình quang hợp, các khu vực nhân sinh khối trong nhà lưới đều được bố trí các hệ thống cảm biến, với khả năng đo các thông số môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng.
Từ những thông tin được ghi nhận liên tục từ các cảm biến, hệ thống lưới che sẽ tự động kéo ra hoặc thu vào, đồng thời hệ thống bơm và phun nước để làm mát hệ thống Photobioreactor đảm bảo các chỉ số ánh sáng và nhiệt độ trong khu vực nuôi luôn được duy trì trong phạm vi phù hợp cho tảo sinh trưởng. Ngoài ra, trên cơ sở thiết kế đồng bộ, các cảm biến pH, nhiệt độ, nồng độ O2, CO2 … có thể được áp dụng để đo các thông số thay đổi ngay trong lòng các ống thủy tinh của hệ thống Photobioreactor.
Các thông tin từ hệ thống cảm biến được chuyển thành tín hiệu kỹ thuật số (digital) và truyền tải về hệ thống xử lý trung tâm bằng công nghệ internet không dây. Từ đây tín hiệu được kết nối với các ứng dụng điều khiển được cài đặt trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động, máy tính. Nhờ đó, các cán bộ của Trung tâm có thể theo dõi diễn biến các thông số kỹ thuật ở trong khu vực nuôi bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu, đồng thời có thể điều khiển ngay trên thiết bị thông minh của mình.
Và cuối cùng, sinh khối được thu bằng cách sử dụng màng lọc có kích thước lỗ nhỏ. Sinh khối được bảo quản ở dạng đông lạnh hoặc sấy khô tạo bột hoặc tạo dạng que. Với điều kiện và năng lực hiện nay, Trung tâm có khả năng cung cấp giống tảo cho các đơn vị ở quy mô 5000 lít/lần giao giống.